Không thể cho qua vụ Chủ tịch HĐQT Cty Điện gió Hướng Tân đánh tráo nhân viên đi cách ly thay mình

Tin hot

Sự việc hy hữu này có thể nói là rất nghiêm trọng bởi hành vi của ông Hà là biểu hiện của việc coi thường kỷ cương phép nước, chống lại mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên khẳng định trong những ngày qua giữa lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến chống Covid-19.

Sau khi thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty Điện gió Hướng Tân đưa nhân viên đi thay để trốn cách ly dịch Covid-19 được các báo đăng tải vào cuối giờ chiều 9/3, dư luận ngay lập tức tỏ thái độ giận dữ trước cách hành xử có một không hai của ông chủ doanh nghiệp này giữa lúc dịch đang đe dọa an nguy tính mạng của cộng đồng.

Vị Chủ tịch HĐQT đó là ông Lê Thanh Hà, 1 trong 4 người đi cùng chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30 (là nữ du khách người Anh 66 tuổi đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế), thuộc diện buộc phải cách ly vì sự an toàn sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Tuy nhiên, trong ngày 9/3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện, 4 người được đưa về cách ly không có ông Lê Thanh Hà, thay vào đó là ông P.Đ.H (nhân viên của Công ty Điện gió Hướng Tân ).

Thượng tá Trưởng Công an huyện Hướng Hóa Hồ Sỹ Nhung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Trần Đức Việt đều xác nhận có việc ông Lê Thanh Hà tráo người khác để tránh cách ly.

Điều khó hiểu là, sự việc đã rõ mười mươi như thế nhưng lãnh đạo Công ty Điện gió Hướng Tân vẫn ra công văn “khẳng định công ty và cá nhân ông H. “không có bất cứ biểu hiện của việc trốn tránh khai báo tình trạng y tế cá nhân cũng như cử người cách ly thay”.[1]

Càng khó hiểu hơn khi Bí thư Tỉnh ủy Quảng trị Nguyễn Văn Hùng cũng phủ nhận thông tin báo chí đã đưa về việc ông Hà tráo người cách ly thay mình. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không chuyện lãnh đạo “chống lưng” cho doanh nghiệp ở đây?[2]

Sự việc hy hữu này có thể nói là rất nghiêm trọng bởi hành vi của ông Hà là biểu hiện của việc coi thường kỷ cương phép nước, chống lại mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên khẳng định trong những ngày qua giữa lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến chống Covid-19.

Chiếu theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, ông Hà đã phạm vào các khoản 1,2,3 điều 8.

Việc che giấu, trốn cách ly, bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm mà vẫn làm việc để gây lây nhiễm là tội cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, coi thường tính mạng của cộng đồng.

“Chỉ đạo” nhân viên đi cách ly thay mình, ông Hà phạm tội giả mạo, gian dối trong khi thi hành công vụ, hậu quả khó lường vì để sổng tác nhân nghi mang mầm bệnh truyền nhiễm.

Coi chống dịch như chống giặc thì hành vi của ông Hà là hành vi phản bội, đào ngũ, tự mình làm “nội gián”, làm quả bom nổ chậm đe dọa sinh mạng người khác, gây bất ổn cho xã hội bất cứ lức nào.

Chiểu theo Bộ Luật hình sự hiện hành, hành vi của ông Hà có thể vi phạm Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Bài học từ trường hợp của cô gái Nguyễn Hồng Nhung – bệnh nhân số 17 – trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài rạng sáng 02-3 chỉ vì khai báo y tế không đầy đủ đã khiến hệ thống phòng vệ dịch Covid-19 của cả nước phải căng mình chống đỡ, còn rất nóng hổi và nhỡn tiền. Lẽ nào ông Hà không biết điều đó?

Không rõ khi hành động như thế, ông CTHĐQT Lê Thanh Hà nghĩ gì? Chả lẽ ông tự cho mình quyền được gian dối đối với chính quyền và nhân dân hay là nhận thức của một doanh nhân như ông về covid-19 chỉ là con số 0 tròn trĩnh?

Tại cuộc họp sáng 09-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm những trường hợp giấu bệnh. Hành vi của ông Hà rõ ràng là cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Duy Xuân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *